Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết, hiện nay, ngoài các khuyến cáo chính thức, cụ thể của Bộ Y tế về biện pháp khử khuẩn tại nhà như rửa tay và vệ sinh bề mặt tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn, 5K..., còn nhiều thông tin lan truyền về cách phòng tránh, điều trị Covid-19 không có cơ sở khoa học, khiến người dân hoang mang.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân bình tĩnh, thận trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin về dịch bệnh. Ba cách phòng bệnh được bác sĩ cho là sai lầm, như sau:
Sát khuẩn vùng hầu họng bằng nước muối đậm (ưu trương), dầu mè, nước tỏi bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19?
Các sản phẩm nước muối trên thị trường hiện nay thường ở nồng độ 0,9%, hoặc cao hơn như 1,5%, 2,2%, 3%, 7%. Bạn cũng có thể tự pha nước muối tại nhà để dùng, tuy nhiên thường không đảm bảo được nồng độ.
Nhiều thông tin cho rằng dùng nước súc miệng và xịt mũi họng kết hợp tinh dầu thảo mộc để ngăn ngừa Covid-19. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa có bằng chứng cho thấy thường xuyên sử dụng các dung dịch nước muối, nước sát khuẩn để nhỏ mũi và súc miệng sẽ giúp phòng Covid-19.
Những khuyến cáo súc miệng bằng dầu mè, nước tỏi giúp thay đổi pH trong môi trường hầu họng, nhằm diệt virus, bác sĩ Ngân cho rằng thiếu cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng. Thậm chí, nhỏ những dung dịch này vào mũi, họng có thể tăng nguy cơ hít sặc, đặc biệt ở trẻ em, cũng như làm khô rát, gây cảm giác nóng rộp ở niêm mạc vùng hầu họng, ảnh hưởng đến ăn uống.
Người bị viêm mũi dị ứng, bệnh lý mũi xoang, nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ về dung dịch xịt rửa mũi phù hợp và số lần xịt rửa trong ngày tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Thông tin uống nước tỏi ngâm sẽ diệt virus gây Covid-19 là thiếu cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng. Ảnh: Johnathan21.
Phơi nắng có giúp diệt virus gây Covid-19?
nCoV tồn tại trong không khí khoảng ba giờ, mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút ở nhiệt độ trên 56oC. "Phơi nắng không trực tiếp diệt virus", bác sĩ Ngân nói.
Phơi nắng hỗ trợ cơ thể tổng hợp vitamin D, một vitamin cần thiết cho chuyển hóa của cơ thể (hệ miễn dịch và xương). Bên cạnh đó, năng lượng từ ánh nắng giúp đồng hồ sinh học của cơ thể được kích hoạt theo nhịp ngày - đêm, khiến chúng ta dễ vào giấc ngủ và tỉnh táo khi thức dậy. Tuy nhiên, tiếp xúc với ánh nắng quá lâu sẽ ảnh hưởng đến da, gây cảm nắng (hoa mắt, nóng hâm hấp, tăng khô khát).
Vì vậy, chúng ta vẫn cần tiếp xúc ánh nắng sáng và chiều nhưng nên giới hạn thời gian dưới 30 phút. Người làm công việc ngoài trời nên dùng kem chống nắng, đeo kính mát, mặc quần áo che chắn tránh bị cảm nắng.
Xông tinh dầu, tắm nước ấm, đeo khẩu trang tẩm dầu gió, dầu tràm... sẽ phòng ngừa Covid-19?
Trong những ngày thời tiết chuyển mùa, xông tinh dầu, tắm nước ấm sẽ đem lại cảm giác dễ chịu, giảm hơi ẩm thấp của môi trường tác động lên cơ thể và không gian xung quanh, bớt căng thẳng do dịch bệnh.
Mặc dù vậy, tắm nước ấm không giúp cơ thể tăng thân nhiệt đủ để tiệt trừ virus. Xông tinh dầu nhiều hơn hai lần mỗi ngày, cộng với luồng khí trực tiếp từ máy xông sẽ khiến niêm mạc đường hô hấp trở nên nhạy cảm, tạo cảm giác khô rát hoặc tăng tiết dịch nhầy nhiều sau khi xông.
"Do đó, quan điểm 'tắm - xông để diệt virus' nhiều lần trong ngày là sai lầm", bác sĩ Ngân nói.
Tẩm dầu gió xanh, dầu tràm, dầu khuynh diệp... lên khẩu trang cũng không có tác dụng ngừa virus, theo bác sĩ. Các thành phần trong dầu như Menthol 5% (tinh chất bạc hà), Methyl Salicylate 6%, Eucalyptus oil 56%(dầu khuynh diệp) tạo cảm giác the mát, giảm đau ngoài da (methyl salicylate), song không có tác dụng bất hoạt virus.
Bác sĩ khuyến cáo, khi ở nhà, bên cạnh tuân thủ 5K, bạn cần có thời gian sinh hoạt phù hợp, ngủ đủ giấc và tập thể dục. Bạn cũng có thể luyện các bài tập thở, quan sát hơi thở và thả lỏng bản thân.
Nên dành 3-5 phút ngồi thẳng lưng hoặc nằm thẳng, hít thở sâu và cảm nhận hơi thở đi vào cơ thể, sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng. Thời gian tập chia thành nhiều lần trong ngày, tăng dần số phút khi đã quen. Luyện tập và quan sát hơi thở giúp làm khỏe các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành, khi ta hít thở sâu.