"Covid-19 đã thay đổi tôi. Tôi như một người già 80 tuổi từng hút thuốc nhiều năm", Hornick nói. "Tôi luôn lo sợ mình sẽ không bao giờ bình thường trở lại. Sẽ ra sao nếu sức khỏe của tôi ngày một xấu đi? Tôi mới chỉ 40 tuổi", anh bộc bạch.
Suốt một năm qua, Hornick vật lộn với những cơn đau, mệt mỏi kéo dài. Cơ thể anh mất dần chức năng tim, thận, đường tiêu hóa, chân tay run không kiểm soát. Những cơn đau đầu, chóng mặt hàng ngày từng khiến anh gần ngất xỉu. Hornick cho biết không thể nhớ hết số lần được đưa đi cấp cứu, làm các thủ tục y tế, xét nghiệm.
Dù đã khỏi bệnh, chứng "sương mù não" khiến tâm trí Hornick không còn nhạy bén, cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn. Anh không còn giỏi sắp xếp công việc, thời gian biểu như trước, thường xuyên quên tên của bạn bè, lặp lại cùng một câu hỏi trong các cuộc trò chuyện. Covid-19 khiến Hornick - một nhà văn - gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai ý tưởng và viết ra giấy.
Nhà báo Laura M. Holson, trải nghiệm rõ điều này sau khi nhiễm nCoV.
"Có những ngày, tôi cảm giác các con chữ quay mòng mòng trong đầu. Tôi mất đến 20 phút để viết một đoạn văn ngắn vốn có thể hoàn thành trong 5 phút nếu khỏe mạnh".
Nhà báo Fiona Lowenstein, người sáng lập nhóm Body Politic Covid-19 hỗ trợ bệnh nhân Covid-19, cho biết anh phải tạm dừng công việc vì không thể tập trung.
Nhà văn Ed Hornick mắc Covid-19 vào tháng 1 năm ngoái. Ảnh: Ed Hornick
"Hiện, giấc ngủ ban đêm của tôi kéo dài 12-14 tiếng. Buổi sáng, tôi mất gần 2 tiếng để vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Tới khoảng 2 giờ chiều, chứng sương mù não xuất hiện, khiến tôi mệt mỏi cả ngày", Lowenstein chia sẻ.
Tới nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã công bố những di chứng bệnh nhân Covid-19 gặp phải. Song, bản thân là một người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, Hornick cho biết còn rất nhiều triệu chứng chưa được liệt kê, gồm rụng tóc, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, phát ban. Ảnh hưởng nhận thức và mệt mỏi là hai di chứng thường gặp nhất sau thời gian dài nhiễm nCoV.
"Tôi đã quên tên chồng", Hannah Davis, 32 tuổi, nói. "Tôi từng cầm chảo nóng và tự làm mình bỏng. Điều này lặp lại nhiều lần. Tôi không biết phải tắm, tự mặc quần áo như thế nào".
Với Rick Dressler, 52 tuổi, lính dự bị tại Lực lượng Không quân Mỹ, phải thức dậy vào buổi sáng là một điều "rất khó chịu". Anh cho biết điều đầu tiên nghĩ đến khi dậy là khi nào có thể tiếp tục ngủ.
Miel Singletary Schultz, 48 tuổi, sống tại California, cho biết hội chứng Covid-19 kéo dài rất kinh khủng. "Tôi từng quỳ gối cầu xin Chúa hãy để tôi ra đi. Tôi cảm giác mình đang bị tra tấn và trải qua một giai đoạn hết sức đau đớn".
Các chuyên gia ước tính đã có hàng triệu bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài trên thế giới. Nhiều nhóm hỗ trợ trực tuyến được thành lập, liên kết, động viên, hướng dẫn những bệnh nhân này vượt qua các di chứng, giảm gánh nặng tâm lý. Các trung tâm hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19 cũng xuất hiện khắp nước Mỹ, giúp bệnh nhân tiếp cận các nghiên cứu, hướng điều trị.
Cộng đồng y tế cho biết có điểm tương đồng giữa hội chứng Covid-19 kéo dài và các bệnh do virus gây ra khác, trong đó có SARS, MERS và Ebola. Bác sĩ Craig Spencer kêu gọi cần khẩn trương đưa ra cách chăm sóc bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Ông từng nhiễm virus Ebola năm 2014 và hiện vẫn gặp khó khăn khi phải tập trung dù đã "khỏi" bệnh nhiều năm.
"Bạn có thể sẽ mất việc, ít bạn bè hơn, cuộc sống hôn nhân trở nên căng thẳng, gặp khó khăn tài chính. Trên hết, bạn luôn cảm thấy tồi tệ", Cort Johnson, một người mắc chứng mệt mỏi mạn tính viết. "Nhiều người sẽ được điều trị bằng các phương pháp tốn kém mà không chắc sẽ hiệu quả. Đó là một tương lai rất ảm đạm, nhưng chúng ta cần dũng cảm đối đầu ngay từ bây giờ".
Lê Hằng (Theo Yahoo News)