Tham gia các hội nhóm trên mạng, tôi thấy nhiều người vô tư chia sẻ tin về dịch bệnh mà không kiểm chứng để rồi đăng xong lại xoá.
Vì tính chất công việc cũng như nhu cầu kết nối, chia sẻ, tôi cũng tham gia mạng xã hội, cũng là thành viên của nhiều nhóm khác nhau trên facebook và các mạng xã hội khác. Điều này đã mang lại cho tôi rất nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Thế nhưng, tôi thực sự bực mình khi một vài nhóm chat được lập ra chỉ đơn thuần để trao đổi công việc nhưng lại bị một số thành viên trong nhóm vô tư chia sẻ đủ loại thông tin, đặc biệt là những thông tin tiêu cực về đại dịch Covid-19.
Khi đọc những thông tin ấy, tôi không biết những người chia sẻ có nghĩ là các thành viên trong nhóm thực sự muốn biết không hay chỉ đang làm phiền họ. Thời đại 4.0, ai cũng có điện thoại thông minh, có máy tính, iPad, ai cũng biết đọc báo, xem tivi thì hà cớ gì cứ cầm đèn chạy trước ôtô.
Ấy là chưa kể đến độ tin cậy của những thông tin được chia sẻ. Nó đúng - sai, thật - giả thế nào không được kiểm chứng. Những thông tin sai lệch, tiêu cực sẽ gây ra tâm lý hoang mang, bất an cho mọi người. Mỗi dòng thông tin được chia sẻ trong các nhóm kết bạn dù muốn hay không cũng tác động đến nhận thức, tâm lý của các thành viên. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhấn nút chia sẻ.
Thời điểm giãn cách vì dịch, con người ta có nhiều thời gian nên hay lang thang khắp nơi trên mạng xã hội rồi tình cờ bắt gặp một thông tin giật gân, 'hấp dẫn' với những tiêu đề gây chú ý thế là mình cứ chia sẻ rầm rộ vào mà bất chấp hậu quả, bất chấp người trong nhóm sẽ nghĩ mình là người thế nào. Lúc này, chúng ta nên dành nhiều thời gian cho gia đình, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tập thể dục hay làm những việc có ích khác sẽ tốt hơn.
Những lúc như thế này, chúng ta phải tỉnh táo để không bị cuốn vào những luồng thông tin ấy. Nếu có chia sẻ thì phải biết chọn lọc, có sự thẩm định để tránh phải rơi vào tình trạng đăng rồi xóa, xóa rồi đăng. Hãy chia sẻ những thông tin tích cực để mọi người có niềm tin vào công cuộc chống dịch của các cơ quan chức năng, để nhiều người thấy được sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đang mướt mồ hôi dập dịch; thấy được sự vất vả của các anh bộ đội đang ngày đêm túc trực ở những điểm nóng với mong muốn cháy bỏng là hết dịch, về nhà, ăn bữa cơm đoàn tụ cùng gia đình.
Cổ nhân có câu "tam nhân thành hổ" nghĩa đen là ba người thành con hổ, tức là "Ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật". Đây là một thành ngữ điển tích chỉ về hiện tượng một việc, dù cho sai lầm, hay tin thất thiệt nhưng nếu nhiều người cùng "ngồi lê" thì cũng sẽ dễ khiến người ta đem bụng tin là sự thật.
Lời của cổ nhân đã có từ xưa nhưng mấy ai trong chúng ta thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Nhất là trong thời điểm hiện tại, cả nước đang gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19. Dòng thác thông tin về dịch bệnh được truyền đi như vũ bão qua các phương tiện thông tin đại chúng rồi tràn lên mạng xã hội, đổ bộ vào các nhóm lớn nhỏ tồn tại trên không gian mạng. Nhiều lúc thật - giả không biết đâu mà lần.
Đừng để mình trở thành một trong ba người chia sẻ thông tin khiến người khác từ không tin thành tin, từ không có cọp mà nghĩ là có cọp rồi sinh ra tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, bấn loạn. Tỉnh táo và trách nhiệm là điều xã hội đang cần ở chúng ta lúc này.
Trần Văn Hải