Trẻ 6 tuổi đứng giữa giai đoạn chuyển giao giữa lứa tuổi Mầm non và Tiểu học. Con vẫn rất trẻ con, hồn nhiên và xem mình là cái rốn vũ trụ. Chăm sóc sức khỏe trẻ trong giai đoạn tuổi này cần chú ý việc chủng ngừa đầy đủ, vì con sẽ gắn bó với môi trường học đường, tiếp xúc nhiều người lạ hơn.
Trẻ 6 tuổi thi thoảng vẫn đái dầm, và xấu hổ nếu bạn bè biết việc này. Trẻ 6 tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe cần cha mẹ quan tâm:
Chủng ngừa
Tiếp nối lịch trình chủng ngừa vắc-xin trong lứa tuổi Mầm non, trẻ 6 tuổi cần chủng ngừa các liều vắc-xin mới trước khi nhập học. Mẹ nhớ giữ sổ theo dõi sức khỏe của con để bác sĩ biết trẻ đã được tiêm các loại gì, đề nghị chủng ngừa thêm các liều con bỏ lỡ.
Đảm bảo con được chủng ngừa ít nhất 2 liều sởi, quai bị, rubella và thủy đậu.
Tiêm phòng vắc-xin ngừa dịch cúm cho con định kỳ trước mỗi mùa dịch cúm.
Kiểm tra sức khỏe
Trước khi con nhập học, hoặc sau nửa năm con nhập học, mẹ nên kiểm tra thị lực và thính lực cho trẻ
Kiểm tra bệnh thiếu máu, nhiễm độc chì, lao phổi, hàm lượng cholesterol trong máu… Đây là những xét nghiệm giúp bạn chăm sóc sức khỏe con hiệu quả hơn.
Vệ sinh răng miệng cho con thường xuyên. Định kỳ nửa năm, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám tại các phòng khám Nha khoa để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Dinh dưỡng cho trẻ 6 tuổi
- Tiếp tục cho con uống sữa và các chế phẩm từ sữa. Theo dõi cân nặng của con, có thể thay sữa ít béo, ít ngọt vào chế độ sữa hàng ngày tránh bệnh béo phì.
- Hạn chế thấp nhất lượng nước ngọt và kẹo bánh trẻ ăn hàng ngày. Với nước ép trái cây, cũng chỉ nên dùng 120-180ml/ngày.
- Tránh thức ăn nhiều chất béo, thức ăn ngọt.
- Bổ sung trứng vào bữa ăn hàng ngày của con. Trứng cung cấp nhiều protein, axit amin có lợi cho sự phát triển thể chất của con.
- Mẹ nên thiết kế bữa ăn nhiều dinh dưỡng và chia thành nhiều lần. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh.
- Quan tâm đến giấc ngủ của trẻ, duy trì thói quen ngủ sớm cho trẻ, hạn chế cho con xem tivi quá nhiều.
Cha mẹ làm gì để chăm sóc trẻ 6 tuổi hiệu quả?
Quan tâm nuôi dạy con
- Tôn trọng sự phát triển độc lập của con trẻ, nhưng vẫn cần hướng dẫn để cân bằng cá tính riêng của con với các quy tắc xã hội.
- Không quá yêu chiều, cho con không gian riêng tư và tự đối phó với một số vấn đề, giúp con trưởng thành hơn.
- Khuyến khích hoạt động phát triển thể chất cho con hàng ngày: Tập thể thao, đi bộ, tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm vườn, làm việc nhà…
- Áp dụng kỷ luật giúp uốn nắn con. Lưu ý dù bất kỳ trường hợp nào cũng nên tôn trọng con và nói không với đòn roi mẹ nhé.
- Trẻ 6 tuổi rất hay tò mò. Bạn nên lựa chọn kênh truyền hình và các loại hình giải trí cho con, chặn các kênh Youtube không phù hợp. Thời gian xem tivi chỉ từ 1-2 tiếng mỗi ngày.
Khuyến khích con vận động qua các trò chơi phù hợp lứa tuổi
Các vấn đề an toàn cần lưu ý
An toàn khi ở nhà
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, an toàn, không khói thuốc.
- Dạy cho con biết về kỹ năng thoát khỏi đám cháy, kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ.
- Cẩn thận hóa chất và thuốc men trong nhà. Thuốc nên để xa tầm với của con. Hóa chất nên dán nhãn nguy hiểm để con sợ mà tránh xa.
- Thường xuyên hỏi thăm con về việc xảy ra ở trường, về hoạt động thường ngày. Chú ý các vấn đề có thể xảy ra cho bé liên quan tới nạn ấu dâm. Khuyến khích con bạn kể lại khi người lạ chạm vào một cách bất thường hay ở những chỗ không phù hợp.
An toàn khi đi chơi, ra đường
- Tập cho con thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, hoặc khi chơi xe đạp, chơi patin…
- Cho con đi học bơi để có kỹ năng sống sót nếu chẳng may rớt xuống nước.
- Nói cho cho con hiểu về các tình huống bắt cóc, bị người lớn khống chế. Dặn con không nhận quà từ người lạ, không đi theo người lạ.
Dạy con ý thức tuân thủ luật lệ giao thông và đeo mũ bảo hiểm khi di chuyển
- Dặn con không tiếp xúc với con vật lạ hoặc các món đồ vật lạ, nên báo cho người lớn biết. Không ăn những gì con không biết chắc.
- Cho con đeo kính chống tia UV-A, UV-B. Thoa kem chống nắng cho trẻ khi con đi bơi, đi biển để giảm việc cháy nắng.
- Đảm báo trẻ biết cách gọi đường dây khẩn cấp trong trường hợp nguy hiểm.
- Buộc con nhớ tên mình, tên cha mẹ, số điện thoại của cha mẹ.
Bắt đầu cột mốc 6 tuổi, trẻ sẽ bước dần khỏi sự đùm bọc của cha mẹ và bước vào thế giới học đường. Chăm sóc sức khỏe trẻ 6 tuổi phải quan tâm nhiều khía cạnh: Sức khỏe, tâm sinh lý, vấn đề an toàn..