55 kỹ năng thiết yếu mà tác giả Ron Clark-người đã đoạt “Giải thưởng Giáo viên Toàn Nước Mỹ” năm 2001 đưa ra, không chỉ đơn thuần dành cho học sinh, sinh viên mà một vài kỹ năng trong đó còn dành cho tất cả mọi người trưởng thành, từ nhân viên văn phòng đến các vị giáo sư, bác sĩ, từ chính trị gia đến các tầng lớp trong xã hội. Những kỹ năng là sự kết hợp khoa học và uyên bác giữa giáo dục trường học với những bài học, trải nghiệm thực tế qúy giá từ cuộc sống, và những điều đó sẽ phát huy hiệu quả nhất sự phát triển nhân cách, tính cách và năng lực của học sinh, sinh viên ngay từ lúc đi học đến tuổi trưởng thành. Với suy nghĩ, những kỹ năng này cần được rèn luyện suốt trong những năm học trong nhà trường, để nó trở thành những thói quen, từ thói quen trở thành hành động tự nhiên, từ hành động tự nhiên sẽ trở thành tố chất của mỗi con người và nó sẽ tạo nên sự khác biệt cho tương lai của con bạn, chúng tôi xin giới thiệu hầu hết các kỹ năng mà tác giả Ron Clark đã đưa ra, có thêm bớt một số kỹ năng để phù hợp với văn hóa của người Việt Nam chúng ta.
Nguyên tắc số 1: KHI TRẢ LỜI NGƯỜI LỚN
Khi trả lời người lớn tuổi hơn mình, bạn phải tỏ ra lịch sự, không được chỉ gật đầu hoặc lắc đầu, cũng không được nói trống không. Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, bởi nó thể hiện thái độ tôn trọng mà mọi người đều mong đợi, nó không chỉ cần thiết khi trẻ em giao tiếp với người lớn, mà còn rất quan trọng khi người lớn giao tiếp với nhau.
Nguyên tắc số 2: GIAO TIẾP BẰNG MẮT
Hãy hướng ánh mắt đến người đang trò chuyện. Khi ai đó đưa ra ý kiến hoặc bạn nêu ý kiến với ai đó, hãy nhìn về phía họ. Điều đó không chỉ thể hiện sự tự tin của bạn, mà còn ngụ ý rằng bạn biết tôn trọng người đang trò chuyện với mình.
Nguyên tắc số 3: CHÚC MỪNG BẠN CÙNG LỚP
Khi ai đó thắng cuộc trong một trò chơi hay đơn giản là đạt được thành tích nào đó, chúng ta sẽ cùng chúc mừng và phải vỗ tay ít nhất ba giây. Tất nhiên các bạn có thể biểu lộ cảm xúc theo nhiều cách, miễn là chứng tỏ được rằng bạn đánh giá cao thành tích đó. Ở trong một tập thể khi một vài người bắt đầu vỗ tay thì tất cả chúng ta sẽ cùng vỗ tay.
Nguyên tắc số 4: TÔN TRỌNG Ý KIẾN VÀ NHẬN XÉT CỦA CÁC BẠN TRONG LỚP
Trong các buổi thảo luân, chúng ta cần tôn trọng những nhận xét, quan điểm và ý tưởng của người khác. Vào thời điểm thích hợp, hãy bày tỏ suy nghĩ của mình theo những cách sau: “Tôi đồng tình với ý kiến đó của bạn Hùng, tuy nhiên tôi cho rằng…”, hay: “Tôi chưa tán thành nhận xét của Hùng. Mặc dù bạn ấy đã nêu được vấn đề, nhưng theo tôi thì…”, hoặc có thể là: “Tôi nghĩ quan điểm của Hùng thật tuyệt, và điều đó làm tôi nhận ra rằng…”.
Nguyên tắc số 5: CUỘC TRANH LUẬN LÀNH MẠNH
Khi còn đi học cũng như trong cuộc sống sau này, không thể tránh những cuộc tranh luận với bạn bè, người thân về nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và nên coi đó là điều cần thiết để hiểu nhau hơn và để có tình bạn vững bền. Tuy nhiên để có một cuộc tranh luận lành mạnh cần rèn luyện thói quen như: (1) Ngừng khẳng định mình đúng. (2) Không xúc phạm đến người khác. (3) Chọn đúng thời điểm thích hợp. (4) Không bao giờ khẳng định tuyệt đối. (5) Không lan man, “chuyện nọ xọ chuyện kia”. (6) Lắng nghe và đừng chống chế. (7) Kiểm chứng lại những gì bạn nghe.
Nguyên tắc số 6: THẮNG KHÔNG KIÊU, BẠI KHÔNG NẢN
Khi chiến thắng trong một trò chơi nào đó, đừng tỏ ra kiêu căng, khi thua cuộc đừng tỏ vẻ chán nản. Bạn hãy nói: “Cuộc đua tranh này thật thú vị, tôi mong lần sau lại được thi đấu với bạn”, hay “Bạn chơi tốt lắm!”, hoặc không cần nói gì cả. Nếu bạn tỏ thái độ giận dỗi hay phàn nàn kiểu: “Chỉ là tôi chưa dùng hết sức mình thôi, chứ thật ra bạn không giỏi lắm đâu!” thì bạn đang chứng tỏ mình là kẻ tầm thường.
Nguyên tắc số 7: KHI BẠN ĐƯỢC HỎI THĂM, HÃY HỎI THĂM LẠI NGƯỜI ĐÓ
Trong một cuộc trò chuyện, nếu ai đó hỏi bạn điều gì thì sau khi trả lời, bạn nên hỏi lại người đó. Ví dụ, nếu người khác hỏi: “Cuối tuần vui vẻ chứ?”, bạn hãy trả lời: “Vâng, tôi đã có những ngày nghỉ tuyệt vời. Gia đình tôi cùng nhau đi mua sắm. Thế còn bạn, cuối tuần vui vẻ chứ?”. Đây là phép lịch sự thể hiện thái độ quan tâm của bạn đối với họ và để đáp lại sự quan tâm của họ đối với bạn.
Nguyên tắc số 8: CHE MIỆNG KHI HO HAY HẮT XÌ HƠI, SAU ĐÓ NÓI CÂU XIN LỖI
Khi ho, hắt xì hay ợ hơi, bạn phải quay đầu sang chỗ khác và che miệng bằng cả bàn tay, chứ không dùng nắm tay. Sau đó, bạn cần nói: “Tôi xin lỗi!” và nên rửa tay sau đó nếu ở nơi có điều kiện, hoặc lau tay.
Nguyên tắc số 9: KHÔNG HÀNH ĐỘNG THIẾU TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Chúng ta không được huýt sáo, trừng mắt hay có những hành động thể hiện sự thiếu tôn trong người khác. Những hành động như vậy gây tổn thương cho người khác, trong một vài trường hợp có thể khiến bạn gặp rắc rối. Không chê bai hay nói những điều tiêu cực về người khác, bất kể là nói trực tiếp hay sau lưng. Tất cả mọi người đều có lòng tự trọng và không được làm tổn thương điều đó.
Nguyên tắc số 10: KHI ĐƯỢC NHẬN BẤT CỨ THỨ GÌ, BẠN HÃY NÓI CẢM ƠN
Khi nhận được bất cứ thứ gì, bạn đều phải nói cảm ơn như: “Cháu cảm ơn ông, bà, bố, mẹ, thầy cô giáo, cô, chú; em cảm ơn anh, chị; cảm ơn bạn, em…”. Lời cảm ơn cần được nói trong vòng ba giây, nếu không thì mọi lời xin lỗi khó được chấp nhận. Đừng bao giờ xúc phạm người cho bằng những nhận xét không tốt về món quà, hay bằng cách nói bóng gió rằng bạn không chờ đón món quà đó.
Nguyên tắc số 11: GÂY BẤT NGỜ CHO NGƯỜI KHÁC BẰNG SỰ QUAN TÂM CHU ĐÁO
Hãy gây bất ngờ cho người xung quanh bằng những việc làm thể hiện sự quan tâm, và hãy thường xuyên đem đến niềm vui cho họ. Điều bất ngờ ở đây không giới hạn là những món quà nhỏ, mà cần hiểu rộng hơn là những điều nho nhỏ, ý nghĩa mà bạn dồn tâm huyết để thực hiện.
Nguyên tắc số 12: TẬP TRUNG THEO DÕI TRONG GIỜ TẬP ĐỌC
Trong giờ tập đọc, học sinh cần chú ý để theo kịp bài và khi giáo viên yêu cầu, học sinh cần biết chính xác chỗ cần đọc. Việc này giúp hạn chế tâm trạng uể oải, thái độ lơ đãng của học sinh, và tất nhiên giáo viên cũng cần đọc diễn cảm, hóa thân vào nhân vật và lựa chọn những bài đọc có nội dung hấp dẫn, gợi mở trí tưởng tượng của trẻ. Trong qúa trình đọc bài, học sinh vừa học được nhiều từ mới, vừa rèn cách phát âm chuẩn. Đây là cách làm giàu vốn từ cho trẻ và đồng thời tạo thói quen đọc sách cho chúng sau này.
Nguyên tắc số 13: KHÔNG NGHE ĐIỆN THOẠI TRONG LỚP VÀ MỘT SỐ NƠI CÔNG CỘNG
Phải tắt điện thoại di động hoặc để chế độ rung khi vào lớp học. Trong lớp học và ở một số nơi công cộng như trong phòng họp, hội thảo, rạp hát, rạp chiếu bóng…tuyệt đối không được gọi điện thoại. Nếu có cuộc gọi quá cần thiết thì phải xin đi ra ngoài phòng để nghe.
Nguyên tắc số 14: TRẢ LỜI BẰNG CÂU HOÀN CHỈNH
Khi trả lời, bạn phải dùng câu hoàn chỉnh. Ví dụ, khi được hỏi: “Hãy nêu tên thủ đô nước Nga?”, bạn phải viết: “Thủ đô của nước Nga là Mat-xkva”. Trong giao tiếp, việc trả lời câu hỏi bằng một câu hoàn chỉnh là cách thể hiện sự tôn trọng người hỏi. Ví dụ, nếu có ai hỏi: “Bạn khỏe không?”, thay vì trả lời: “Khỏe”, bạn nên nói: “Cảm ơn bạn, tôi khỏe. Còn bạn thế nào?”. Nguyên tắc này còn giúp học sinh phát triển ngôn ngữ viết và khả năng tư duy.
Nguyên tắc số 15: KHÔNG ĐÒI ĐƯỢC THƯỞNG
Trong suốt năm học, Clark luôn chuẩn bị phần thưởng dành cho học sinh ngoan ngoãn và đạt thành tích học tập tốt. Nhưng nếu có một ai đó trong lớp đòi hỏi, phần thưởng ấy sẽ không được trao nữa, đó là nguyên tắc của Clark. Chúng ta cần nỗ lực để hoàn thiện bản thân, chứ không phải để được thưởng, và thật khiếm nhã khi yêu cầu ai đó thưởng quà cho mình kể cả người đó là người thân và ruột thịt.
Nguyên tắc số 16: HOÀN THÀNH BÀI TẬP VỀ NHÀ MỖI NGÀY
Mọi học sinh đều không được phàn nàn và phải hoàn thành bài tập về nhà (nếu có). Bài tập về nhà chính là một trong những nhiệm vụ của người học sinh, thông qua nó, bạn học cách thực hiện công việc đúng hẹn và tác phong làm việc nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ. Trong cuộc sống, ở đâu bạn cũng sẽ gặp những đồng nghiệp có suy nghĩ tích cực, tiêu cực và chắc chắn bạn luôn thích làm việc với những đồng nghiệp có suy nghĩ tích cực, không thích làm việc với những người luôn làm phiền mình bằng những lời than vãn về công việc và cuộc sống.
Nguyên tắc số 17: TRẬT TỰ TRONG KHI CHUYỂN TIẾT
Việc chuyển tiết (chuyển phòng học do mỗi phòng có các dụng cụ chuyên dùng dành cho từng bộ môn hoặc để học sinh được vận động trong buổi học) cần diễn ra nhanh chóng và trật tự. Các bạn cần chuẩn bị sách vở và dụng cụ cần thiết cho môn học tiếp theo một cách nhanh nhất có thể. Thời gian làm việc này là 10 giây, và chúng ta sẽ cố gắng rút xuống còn 7 giây. Sống có kế hoạch, không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và luôn nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra trước khi bắt đầu một hoạt động mới là yêu cầu đối với tất cả mọi người chúng ta.
Nguyên tắc số 18: LUÔN NGĂN NẮP, GỌN GÀNG
Mọi vật dụng, sách vở, bút mực, dụng cụ, góc học tập… đều cần được sắp xếp một các ngăn nắp, gọn gàng. Thói quen ngăn nắp không chỉ cần ở trường học, mà còn còn cần trong cả cuộc sống và công việc sau này.
Nguyên tắc số 19: LUÔN TÔN TRỌNG NỘI QUY LỚP HỌC, NGAY CẢ KHI HỌC VỚI GIÁO VIÊN DẠY THAY
Trong một buổi học với giáo viên dạy thay, mọi nội quy trong lớp vẫn phải được duy trì (đây là một quy định khó, nhưng vô cùng quan trọng). “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” như ông bà ta thường nói, nhưng các bạn cần hiểu rằng, chúng ta học tập vì tương lai của bản thân và cần tự giác trong mọi thời điểm, ngay cả khi không có người giám sát, đôn đốc.
Nguyên tắc số 20: TÔN TRỌNG MỌI QUY TẮC TRONG LỚP
Chúng ta phải chấp hành nội quy của lớp, sắp xếp mọi thứ trật tự và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Để làm được như vậy, cần tuân thủ các quy tắc sau:
a. Không nên tự ý dời khỏi chỗ ngồi mà chưa xin phép thầy. Nhưng nếu cảm thấy trong người khó chịu, các bạn được phép dời chỗ ngồi ngay lập tức.
b. Không được phép nói trừ khi: (1) Bạn giơ tay, và thầy cho phép. (2) Thầy đặt câu hỏi, và bạn trả lời. (3) Trong giờ ra chơi và lúc ăn trưa. (4) Thầy cho phép (ví dụ, làm việc nhóm).
Nguyên tắc số 21: TRONG GIỜ HỌC, KHÔNG RA NGOÀI LẤY NƯỚC
Học sinh không nên đem bánh và đồ ăn đến trường, có thể mang theo chai nước, nhưng không được xin phép uống khi giáo viên đang giảng bài. Mỗi người chúng ta đều sẽ làm việc tốt hơn nếu được sống trong một môi trường thoải mái, dễ chịu.
Nguyên tắc số 22: GHI NHỚ TÊN CÁC GIÁO VIÊN TRONG TRƯỜNG
Học sinh cần ghi nhớ tên của các thầy, cô trong trường. Ở Việt Nam, chúng ta thường không chào thầy cô kèm theo tên, tuy nhiên việc nhớ tên thầy cô thể hiện sự tôn trọng và quý mến. Chào tất cả các thầy cô giáo trong trường khi gặp (lưu ý, học sinh không được phép trò chuyện khi đang xếp hàng, nhưng có thể chào hỏi thầy cô giáo lúc vừa đến trường hay trước khi ra về, trong giờ ra chơi, hay trong lúc đổi tiết). Thật ngạc nhiên khi nhiều người hàng xóm không biết tên nhau, mục tiêu việc này để bọn trẻ chủ dộng thăm hỏi để biết tên những người xung quanh, bạn bè và luôn thể hiện thái độ thân thiện, lịch sự với mọi người.
Nguyên tắc số 23: LUÔN GIỮ CƠ THỂ VÀ NHÀ VỆ SINH SẠCH SẼ
Phải luôn xả nước bồn cầu sau khi sử dụng, trước khi xả nước cần đậy nắp bồn cầu. Luôn rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Tại nhà vệ sinh công cộng, nếu tay bạn quá bẩn, hãy dùng giấy vệ sinh để lót khi mở vòi nước rửa tay.
Nguyên Tắc số 24: CHÀO MỪNG KHÁCH ĐẾN THĂM VÀ LÀM CHO HỌ THẤY THOẢI MÁI
Trường học là nơi thường xuyên có khách đến thăm. Mỗi khi có khách đến, các bạn nên đứng ở cổng trường để chào đón họ. Các bạn được phân công có nhiệm vụ bắt tay chào mừng họ, tự giới thiệu về mình, sau đó dẫn họ đi thăm một vòng quanh trường trước khi đưa họ về lớp. Bạn có thể áp dụng phương pháp này khi có khách đến thăm văn phòng, dự tiệc ở các công ty kinh doanh. Các vị khách sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong một môi trường mới.
Nguyên tắc số 25: KHÔNG GIỮ CHỖ TRONG PHÒNG ĂN
Các học sinh không được giữ chỗ trong giờ ăn trưa. Nếu một ai đó muốn ngồi xuống, hãy để họ ngồi. Chúng ta là một gia đình và các thành viên phải đối xử với nhau bằng thái độ thân thiện và tôn trọng.
Nguyên tắc số 26: KHÔNG NHÌN CHẰM CHẰM VÀO NGƯỜI BỊ TRÁCH PHẠT
Khi giáo viên trong trường đang nói chuyện hoặc trách phạt một học sinh nào đó, các học sinh khác không được nhìn chằm chằm vào bạn ấy. Tương tự, không ai trong chúng ta muốn bị người khác chú ý khi đang vướng vào rắc rối hay khi bị khiển trách. Nếu khi bị trách phạt mà có người cứ nhìn chằm chằm với vẻ hiếu kỳ, các học sinh không được tỏ thái độ giận dữ hay gây gổ với họ, mà hãy báo ngay với giáo viên biết để xử lý kịp thời. Ngược lại nếu không may bị trách phạt thì cũng không được nhìn chằm chằm vào thầy, cô giáo.
Nguyên tắc số 27: KHI CÓ THẮC MẮC VỀ BÀI TẬP, HÃY GỌI ĐIỆN THOẠI CHO GIÁO VIÊN
Khi có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài tập về nhà, học sinh có thể gọi điên thoại cho giáo viên. Nếu giáo viên chưa trả lời điện thoại, hãy để lại lời nhắn sau: “Thưa thầy, con là … Con muốn hỏi thầy bài tập số… Thầy có thể gọi lại cho con trước… giờ. Con cám ơn thầy”. Ngày nay trong kinh doanh, mọi người cũng sẽ hài lòng hơn khi có thể liên lạc với nhà cung cấp bất cứ khi nào có thắc mắc về sản phẩm, hay khi muốn bàn việc hợp tác.
Nguyên tắc số 28: PHONG CÁCH LỊCH SỰ TRÊN BÀN ĂN
Khi có cơ hội dự những bữa tiệc sang trọng phong cách Châu Âu, chúng ta cần nắm một số nguyên tắc trong ăn uống, điều này sẽ giúp bạn không cảm thấy bối rối. Có rất nhiều nguyên tắc cần áp dụng trong vấn đề ăn uống, Clark gọi là phong cách lịch sự trên bàn ăn.
a. Hãy nhanh chóng trải khăn lên đùi, trong trường hợp chiếc khăn ăn được dùng để bọc bộ đồ ăn bằng bạc, hoặc gấp để trên bàn hoặc để ở trong cốc.
b. Hãy đặt khăn ăn lên bàn, phía bên trái đĩa thức ăn sau khi bạn ăn xong.
c. Đừng bao giờ chống khuỷu tay lên bàn
d. Chỉ nên dùng một tay để ăn, trừ khi phải cắt thức ăn, hay cần phết bơ. Đừng bao giờ để một tay cầm nĩa (đũa), một tay cầm ly.
e. Nếu tay bị dính thức ăn, bạn không được dùng lưỡi liếm, mà hãy sử dụng khăn ăn để lau.
f. Không được chép môi, hoặc gây ra bất kỳ tiếng động nào trong lúc nhai.
g. Bạn không được mở miệng trong khi nhai.
h. Không được nói chuyện khi trong miệng đầy thức ăn.
i. Khi có thức ăn bị mắc ở kẽ răng, bạn đừng làm mọi cách để lấy ra trước mặt mọi người.
j. Khi món ăn có nước, bạn không nên húp xì xụp.
k. Bạn không được biến thức ăn thành đồ chơi.
l. Nếu khi đang ăn, bạn lỡ làm rơi nĩa (đũa) hay vật dụng nào đó, bạn đừng nhặt chúng lên.
m. Một số đồ dùng như ly, cốc, khăn, thìa, hoặc đồ ăn không để trước mặt bạn mà để bên cạnh thì bạn nên lấy ở phía tay phải của mình.
n. Bạn sử dụng dao, nĩa cho hầu hết các món ăn, nhưng một số món ăn bạn có thể sự dụng tay: Bánh Pizza, thịt xông khói, bánh quy, bánh mì, ngô (bắp-nên ăn theo từng hàng), xúc xích, bánh hamburger, bánh sandwich, khoai tây chiên, thịt gà, măng tây, các loại trái cây như nho, táo… một số loại khác bắt buộc phải dùng bằng tay: Cua, ghẹ, ốc…)
o. Bạn không được chồm qua đĩa thức ăn của người khác khi muốn lấy một vật gì đó ở xa tầm tay, mà nên nhờ người ngồi gần vật đó và nói “Xin vui lòng lấy hộ tôi…”
p. Bạn chỉ nên bắt đầu ăn khi đã ngồi ngay ngắn và xong các công đoạn chuẩn bị.
q. Ở nhà hàng, bạn chưa được phép ăn cho đến khi mọi người đều nhận được phần thức ăn.
r. Bạn không nên phá hỏng không khí bữa tiệc vì những lời phàn nàn phải xếp hàng, phải chờ đợi lâu hoặc thức ăn không ngon.
s. Khi có nhiều dao, nĩa hay thìa ở hai bên, bạn hãy bắt đầu bằng từ chiếc nĩa, dao, hay thìa nằm cách xa đĩa thức ăn nhất. Những món ăn tiếp theo lấy dần vào trong.
t. Sau khi ăn xong, bạn đừng đẩy đĩa đựng thức ăn ra xa mà hãy để nguyên vị trí. Bạn có thể thông báo mình đã ăn xong bằng cách để dao, nĩa theo đường chéo phía trên đĩa, hoặc để sát với nhau nằm trọn trên đĩa. Bạn nên úp đầu nhọn của chiếc nĩa xuống dưới và để lưỡi dao hướng về phía mình.
u. Nếu còn tiếp tục sử dụng, bạn hãy đặt dao, nĩa trên đĩa hay khay, không đặt xuống bàn.
v. Với những vật dụng không sử dụng đến, hãy để chúng nguyên vị trí.
w. Hãy nhìn vào mắt người phục vụ khi đặt món ăn, khi có yêu cầu gì, hay khi nói lời cảm ơn.
x. Khi được giới thiệu, bạn hãy cố gắng nhớ tên người phục vụ. Hãy cố gắng gọi đúng tên người phục vụ khi bạn có bất kỳ yêu cầu nào muốn nhờ.
y. Khi cần vào nhà vệ sinh, bạn hãy nói “Tôi xin phép ra ngoài một lát” trước khi rời bàn ăn.
z. Khi gọi món tráng miệng hoặc khi người phục vụ hỏi, bạn hãy hỏi lại: “Tôi có những lựa chọn nào?” để tránh gọi những món nhà hàng không có.
aa. Bạn không được cư xử với những người phục vụ như thể họ là đầy tớ. Hãy tỏ thái độ tôn trọng và lịch sự.
Trong bữa ăn gia đình, phải mời ông bà, cha mẹ trước khi lấy thức ăn cho mình. Không chuyện trò, nói to, cười đùa khi ăn.
Nguyên tắc số 29: SAU BỮA ĂN, HÃY THU DỌN RÁC THẬT SẠCH SẼ
Sau khi ăn xong, bạn phải dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ. Điều này bao gồm cả việc lau chùi bàn ăn và nhặt những mẩu rác dưới sàn nhà hay xung quanh khu vực ngồi ăn. Bạn cần bỏ rác đúng nơi quy định. Sau bữa ăn trong gia đình cần giúp đỡ cha mẹ, anh chị thu dọn bát đĩa, lau chùi bàn ghế .
Nguyên tắc số 30: TRƯỚC KHI DỜI NHÀ VÀ SAU KHI VỀ NHÀ
Trước khi đi học, đi chơi cần giữ thân thể sạch sẽ, quần áo đầu tóc gọn gàng, chào hoặc xin phép ông bà, cha mẹ và chào tạm biệt các em. Về đến nhà phải chào ông bà, cha mẹ, anh chị và những người lớn tuổi hơn mình.
Nguyên tắc số 31: KHI ĐI XE BUYT, LUÔN HƯỚNG MẶT VỀ PHÍA TRƯỚC
Khi ngồi trên xe buýt, bạn phải ngồi hướng về phía trước. Không được nhoài người qua để nói chuyện với người khác, không được thò đầu hay đưa tay ra ngoài cửa sổ hay tự ý rời khỏi chỗ ngồi. Không được đùa nghịch hoặc ném bất kỳ đồ vật gì ra khỏi xe khi xe đang chạy. Khi xuống xe, bạn hãy cám ơn người lái xe và chúc một ngày tốt lành. Nguyên tắc này cũng áp dụng khi trẻ em di chuyển bằng bất kỳ phương tiện nào khác.
Nguyên tắc số 32: SAU MỖI CHUYẾN ĐI, HÃY CHÀO VÀ CẢM ƠN NHỮNG NGƯỜI LỚN TRONG ĐOÀN, LÁI XE VÀ PHỤ XE
Sau mỗi chuyến đi chơi tập thể, bạn nên đến chào thầy cô giáo cùng người lớn khác trong đoàn và cảm ơn họ vì đã dành thời gian đưa bạn đi chơi. Điều đó thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã dành thời gian để giúp đỡ bạn. Nguyên tắc này cũng áp dụng với những trường hợp khác khi bạn nhận được sự giúp đỡ.
Nguyên tắc số 33: KHI ĐI TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG
Khi đi trên phương tiện công cộng như xe buýt, tầu điện ngầm không được ngồi vào những ghế dành cho người già, người tàn tật, tự động nhường chỗ ngồi cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai và các em nhỏ. Không chen lấn khi lên và xuống xe, nhường lên xe trước cho người già, người mang thai và trẻ em.
Nguyên tắc số 34: KHI THAM GIA GIAO THÔNG
Khi đi đường bằng phương tiện như xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy (ở độ tuổi được phép khi có giấy phép lái xe) phải đi đúng luật giao thông, không được đuổi nhau, không được chạy ngoằn ngoèo, đùa nghịch trên đường… đề phòng gây tai nạn cho mình và cho người khác. Khi đi bộ phải đi trên vỉa hè, không đùa nghịch xô đẩy nhau, không chuyện trò ầm ĩ. Chỉ sang đường ở những nơi quy định và khi có tín hiệu cho phép người đi bộ sang đường; chú ý giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, em nhỏ.
Nguyên tắc số 35: ĐỨNG PHÍA BÊN PHẢI MỖI KHI SỬ DỤNG THANG CUỐN. ĐỨNG HAI BÊN CỬA KHI ĐỢI THANG MÁY.
Khi sử dụng thang cuốn, bạn hãy đứng phía bên phải, vì bên trái là phần dành cho những ai đang vội đi. Khi đợi để đi thang máy, tàu điện ngầm hay đi vào cửa quay, bạn nên đứng (xếp hàng khi đông người) hai bên cạnh cửa, để không vướng lối đi ra và đợi mọi người ra hết rồi hãy bước vào. Trong thang máy cần đứng gọn về phía sau và hai bên để dành chỗ cho người vào sau.
Nguyên tắc số 36: KHI GẶP NHỮNG NGƯỜI MỚI QUEN, HÃY BẮT TAY, GIỚI THIỆU VÀ GỌI TÊN HỌ
Trong những buổi học ngoại khóa, giao lưu, các bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn mới. Hãy chủ động bắt tay, giói thiệu về mình, ghi nhớ tên của bạn ngay. Khi chia tay, hãy đến bắt tay, chào tạm biệt và phải luôn gọi đúng tên của bạn. Đối với người lớn cần lẽ phép chào hỏi và cảm ơn họ về sự giúp đỡ.
Nguyên tắc số 37: CHỈ LẤY VỪA ĐỦ THỨC ĂN
Khi được mời ăn uống, dù ở lớp hay trong buổi tiệc, bạn không nên lấy hơn phần được chia, nếu không, bạn sẽ trở thành kẻ tham ăn trong mắt những người xung quanh. Đừng lấy quá nhiều mà không ăn hết, bởi như thế không những lãng phí, mà còn thể hiện bạn thiếu tôn trọng người khác khi để lại cho họ quá ít thức ăn. Khi ăn ở các cửa hàng tự chọn cũng như vậy, lấy đủ ăn, không lấy thừa.
Nguyên tắc số 38: NẾU AI ĐÓ ĐÁNH RƠI ĐỒ GẦN CHỖ BẠN, HÃY NHẶT LÊN VÀ ĐƯA LẠI HỌ
Dù ở bất kỳ đâu, nếu thấy ai làm rơi đồ đạc, bạn hãy nhặt lên và đưa lại tận tay họ. Thậm chí, nếu món đồ bị rơi nằm gần người đó, chúng ta cũng nên lịch sự cúi xuống nhặt lên giúp họ.
Nguyên tắc số 39: GIỮ CỬA GIÚP NGƯỜI KHÁC
Khi bạn mở cửa và có ai đó đi theo sau, bạn hãy giữ cửa giúp họ. Nếu cửa được mở bằng cách kéo ra, hãy kéo cánh cửa và đứng sang một bên để nhường cho người kia bước vào trước. Nếu cửa được mở bằng cách đẩy vào, bạn hãy bước vào trước và giữ cửa cho người kia vào.
Nguyên tắc số 40: NÓI XIN LỖI KHI VA CHẠM
Nếu ai đó vô tình va vào bạn, dù đó không phải lỗi của mình, bạn cũng nên nói: “Tôi xin lỗi”.
Nguyên tắc số 41: GIỮ TRẬT TỰ TRONG CÁC BUỔI LỄ VÀ NƠI CÔNG CỘNG
Khi tham gia các buổi lễ ở trường, đến tham quan một nơi nào đó, bạn không được nói chuyện ồn ào, không gây mất trật tự và không thu hút sự chú ý của các bạn lớp khác, của mọi người. Hãy giữ yên lặng, trật tự để không làm phiền đến ai. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho tất cả những nơi công cộng như nhà thờ, chùa, rạp chiếu phim, rạp hát…
Nguyên tắc số 42: NÓI NHỮNG LỜI TỐT ĐẸP VỀ NHỮNG NƠI BẠN ĐẾN THĂM
Khi đến thăm một nơi nào đó, chúng ta nên dành những lời nhận xét tốt đẹp về nơi ấy. Ví dụ, khi đến thăm nhà người quen, bạn có thể khen rèm cửa nhà họ thật đẹp. Đôi khi mọi người thường có cảm giác thiếu tự tin khi khách đến chơi nhà, vì vậy bạn hãy làm cho họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu bằng những lời khen ngợi. Nếu đến thăm những nơi như nhà hát hay viện bảo tàng, chúng ta cũng nên khen ngợi về kiến trúc của tòa nhà hoặc về cơ sở vật chất trưng bày ở đó.
Nguyên tắc số 43: TRẢ LỜI ĐIỆN THOẠI VỚI THÁI ĐỘ LỊCH SỰ VÀ ĐÚNG MỰC
Bạn cần thể hiện thái độ lịch sự khi trả lời điện thoại.
– Hãy nói: “Cháu chào ông, bà, bác, anh, chị… đây là gia đình…”; khi người gọi nói tên người cần gặp, bạn sẽ trả lời: “Dạ, hiện tại bà cháu có nhà. Xin lỗi, cháu có thể biết ai đang gọi được không ạ?”; sau khi nhận được trả lời, hãy nói: “Xin hãy giữ máy, cháu sẽ đi mời bà cháu”; nhẹ nhàng đặt ống nghe xuống và đi gọi người cần gặp.
– Nếu người cần gặp đi vắng, bạn sẽ trả lời: “Cháu rất tiếc, hiện tại bà cháu không có nhà. Ông có muốn để lại lời nhắn không ạ?”; Nếu người gọi không muốn để lại lời nhắn, bạn hãy nói: “Khoảng….. giờ, Bà cháu sẽ trở về, lúc đó phiền ông gọi lại ạ”; Nếu người gọi muốn để lại lời nhắn, bạn hãy nói: “Xin vui lòng cho cháu biết tên và số điện thoại của ông được không ạ?”; sau khi ghi lại đầy đủ, bạn hãy nói: “Cháu sẽ nhắn lại ngay khi bà cháu về nhà. Xin chào ông ạ”.
Nguyên tắc số 44: LUÔN GIỮ TRẬT TỰ VÀ KHÉP TAY VÀO NGƯỜI KHI DI CHUYỂN TRONG HÀNG
Khi xếp hàng, các học sinh sẽ xếp thành hàng một, người này cách người kia khoảng nửa mét. Trong thời gian xếp hàng, bạn phải luôn nhìn về phía trước và giữ im lặng.
Nguyên tắc số 45: KHÔNG ĐƯỢC CHEN NGANG
Không chen ngang khi xếp hàng. Nếu trong lớp có ai đó chen ngang, bạn không được có hành động gì phản kháng, mà hãy báo cho giáo viên biết để xử lý. Nếu tự giải quyết và gây ồn ào, bạn cũng sẽ gặp rắc rối như bạn kia. Ngoài ra, bạn cũng hãy xử lý mọi mâu thuẫn với các bạn trong lớp theo cách trên, tức là báo lại sự việc cho giáo viên trước khi tự giải quyết. Nếu muốn đi nhưng có người lớn tuổi chắn đường, bạn phải lễ phép xin nhường đường.
Nguyên tắc số 46: KHÔNG CHEN NGANG CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA NGƯỜI LỚN
Chen ngang vào cuộc nói chuyện của người lớn là một thói quen xấu. Nếu bạn muốn nói gì, hãy đợi người lớn nói xong rồi mới được nói. Như vậy, mọi người cũng sẽ nghe ý kiến của bạn chăm chú hơn. Nếu thực sự có chuyện cần thiết buộc phải can thiệp vào cuộc trò chuyện của ai đó, bạn có thể nói “mẹ ơi con có ý kiến” hay “cho con hỏi nhanh một chút thôi”.
Nguyên tắc số 47: KHI Ở RẠP, KHÔNG NÓI CHUYỆN TRONG LÚC PHIM ĐANG CHIẾU
Khi đi xem phim, bạn không nên gây ra bất kỳ một tiếng ồn nào trong rạp. Cho dù bộ phim hấp dẫn, hay khi bạn muốn nói điều gì đó với người bên cạnh, bạn chỉ được nói thì thầm. Bạn không được gác chân lên ghế. Nếu muốn ăn thứ gì đó khi xem phim, hãy chú ý không gây ra bất cứ tiếng ồn nào. Nếu bạn đem theo kẹo để ăn, hãy bóc vỏ kẹo trước khi bộ phim bắt đầu, bởi tiếng sột soạt khi gỡ giấy kẹo có thể sẽ làm phiền người khác.
Nguyên tắc số 48: KHI BỊ AI ĐÓ BẮT NẠT HÃY BÁO VỚI THẦY
Khi bị người khác trêu chọc, học sinh hãy báo cho giáo viên biết. Nhiệm vụ của mỗi giáo viên là chăm sóc và bảo vệ học sinh của mình, không để bất kỳ ai trong trường bắt nạt hay làm cho học sinh của mình cảm thấy không thoải mái. Học sinh không được phép tự xử lý vấn đề mà hãy để giáo viên trao đổi với học sinh kia.
Nguyên tắc số 49: HÃY BẢO VỆ NHỮNG ĐIỀU MÌNH TIN TƯỞNG
Hãy bảo vệ những điều bạn cho là phải lẽ. Bạn đừng bao giờ phủ nhận những điều mà từ sâu thẳm trái tim mình, bạn biết là đúng đắn. Nhưng nếu cần tranh luận hãy tuân thủ nguyên tắc số 5, cuộc tranh luận lành mạnh. Nên có bạn và xây dựng tình bạn với những người ta cảm thấy có thể tin cậy để trao đổi kiến thức, tâm tư, nguyện vọng nhằm giúp nhau học tập, tu dưỡng tốt hơn, giúp nhau vươn tới những gì tốt đẹp tránh những gì xấu xa.
Nguyên tắc số 50: HÃY LUÔN SỐNG LẠC QUAN VÀ VUI VẺ
Hãy luôn có cái nhìn lạc quan và yêu quý cuộc sống. Khi gặp khó khăn, bạn đừng bao giờ thất vọng mà hãy nhìn về tương lai và hướng tới những điều tốt đẹp . Hãy chấp nhận bạn có thể phạm lỗi, nhưng điều quan trọng là bạn hãy học hỏi từ lỗi lầm đó và tiếp tục tiến lên phía trước. Không ai là không có sai lầm, nhưng điều quan trọng là khi mắc sai lầm không gục ngã, không coi đó là thất bại, hãy đứng lên, rút ra bài học kinh nghiệm từ lỗi lầm đó và hãy tiếp tục tiến lên.
Nguyên tắc số 51: HÃY SỐNG ĐỂ KHÔNG PHẢI HỐI TIẾC VỀ SAU
Bạn hãy sống sao để không bao giờ phải hối tiếc. Khi bạn muốn làm một việc gì đó, hãy thực hiện đi! Đừng bao giờ để bất cứ nỗi sợ hãi, sự hoài nghi hay rào cản nào ngăn trở. Hãy nỗ lực hết sức mình và đừng bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu. Bạn hãy chiến đấu bằng cả con tim cho mơ ước của mình và quan trọng hơn cả là bạn hãy làm mọi việc để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Nguyên tắc số 52: CHẾ NGỰ CẢM XÚC
Cảm xúc quyết định hành động của các bạn, vì vậy việc rèn luyện chế ngự cảm xúc và tình cảm, điều khiển hành vi nóng vội và biết cách trì hoãn sự thỏa mãn một cách thích hợp để vẫn khẳng định được quan điểm riêng mà không hiếu chiến, sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu quan điểm của người khác một cách khách quan. Có khả năng ngặn chặn trước xung đột bằng cách tìm kiếm kết quả đôi bên cùng có lợi nếu có thể. Phân biệt tình cảm và lý trí đồng thời áp dụng kỹ năng đối với các vấn đề xã hội và các tệ nạn xã hội. Rèn luyện cảm xúc có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển tinh thần của mỗi chúng ta.
Nguyên tắc số 53: HÃY LUÔN TRUNG THỰC TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Bạn hãy luôn trung thực, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi lỡ làm việc gì sai, hãy tự giác thú nhận với giáo viên, và giáo viên sẽ thường giảm nhẹ các hình thức xử phạt vì thái độ trung thực này.
Nguyên tắc số 54: HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
Bạn hãy trở thành con người tốt nhất, trong khả năng có thể. Dù sự việc xảy ra tồi tệ đến đâu, đừng để những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến tinh thần và hành động của bạn, hãy là chính mình và là hình mẫu được mọi người ngưỡng mộ. Hãy ghi nhớ bảy điều quan trong nhất trong cuộc sống là: nụ cười, gia đình, những chuyến phiêu lưu, bữa ăn ngon, những thách thức, cơ hội và sự khát khao kiến thức. Với tất cả những điều đó, bạn sẽ trưởng thành, có thể tự hào về bản thân và sẽ hạnh phúc hơn.
Nguyên tắc số 55: HÃY LÀ NGƯỜI CON CÓ HIẾU
Hiếu vốn là nền tảng đức hạnh của cá nhân và của xã hội. Với những con người quý trọng và yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em là những người đã hết lòng chăm sóc cho mình từ khi mới được sinh ra, xã hội sẽ có được những con người có hiếu, biết thương yêu đồng loại, thương xót những người tàn tật, cơ nhỡ, gặp rủi ro trong cuộc sống, những người/bạn bè có nhiều khó khăn và giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi ấy, việc xây đắp một xã hội hiếu hạnh không phải là điều khó. Một xã hội hiếu hạnh sẽ không có hiện tượng đối xử với nhau bằng bạo lực, sẽ không sợ tao loạn; thay vào đó là việc cùng nhau xây dựng các cộng đồng an lạc, hòa bình.
Một đứa trẻ được học và rèn luyện những kỹ năng cùng với giáo dục cảm xúc sẽ trở nên có trách nhiệm, thông cảm và hài hòa cả về mặt cá nhân và xã hội, sẽ không chỉ nâng cao hành vi cư xử trong lớp, mà còn đem lại thành công trong công sở, xã hội xét về lâu dài.