Hưng Yên là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước có ổ dịch tả lợn châu Phi, công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là những địa phương có ổ dịch, trong vùng dịch uy hiếp “nóng” lên từng ngày với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh…
Thiệt hại và nỗi lo của người dân trong vùng dịch
Trong những ngày gần đây, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lo lắng, lao đao bởi dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên địa bàn xã.
Gia đình anh Lê Xuân Tình, thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa có đàn lợn hơn 100 con. Sau Tết Nguyên đán được khoảng chục ngày, anh Tình phát hiện trong chuồng có một vài con trong đàn có biểu hiện kém ăn, sốt. Nghĩ lợn chỉ bị bệnh thông thường nên anh tích cực cứu chữa cho lợn bằng cách tiêm thuốc hạ sốt và cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, lợn vẫn yếu; anh liền báo cáo lên cán bộ thú y của xã đến chữa trị; cán bộ thú y thấy lợn có triệu chứng bệnh dịch tả đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm ở những con lợn ốm cho thấy dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi; ngay lập tức, toàn bộ đàn lợn của gia đình anh phải tiến hành tiêu hủy theo quy định, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Hộ thiệt hại lớn ở thôn Khóa Nhu 2 là gia đình anh Lê Văn Nghĩa. Trong tâm trạng buồn rầu, anh Nghĩa cho biết: “Dù chỉ là gia trại nhỏ nhưng tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống. Trước khi bị dịch, đàn lợn của tôi có 124 con; trong đó, có 20 con lợn nái, 10 con lợn hậu bị, 94 lợn con. Dãy chuồng nuôi của gia đình tôi nằm ngay sát chuồng trại của gia đình anh Tình. Sau khi phát hiện đàn lợn nhà anh Tình ốm, để ý đến đàn lợn của gia đình thấy một vài con lợn trong chuồng cũng có biểu hiện ốm sốt, tôi đi báo với cán bộ thú y, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, mang đi xét nghiệm và nhận được thông báo dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi, cả gia đình bàng hoàng, bởi toàn bộ số lợn của gia đình cũng bị tiêu hủy. Tiền đầu tư là tiền vay mượn ngân hàng, rồi còn tiền nợ đại lý thức ăn chăn nuôi… giờ tôi cũng chưa biết phải tiếp tục như thế nào?
Anh Trịnh Kế Ánh, thôn Khóa Nhu 2 phàn nàn: Gia đình tôi chuyên sản xuất lợn giống, hai năm trước giá lợn, xuống thấp tôi đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng; năm nay đàn lợn của gia đình không bị bệnh, nhưng nằm trong vùng dịch nên không xuất chuồng con giống được đã gây thiệt hại cho gia đình.
Phun thuốc khử trùng đàn lợn bị ốm trước khi đi tiêu hủy ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ Hưng Yên (Ảnh: Phạm Hà).
Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã tràn về xã Yên Hòa, số hộ chăn nuôi có lợn bị ốm tăng lên từng ngày, đến ngày 23-2, đã có 16 hộ chăn nuôi ở thôn Khóa Nhu 2 bị mắc dịch tả lợn châu Phi, phải ngậm ngùi tiêu huỷ hơn 600 con. Trong đó, có nhiều lợn lợn nái, lợn đực giống; thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, cùng với đó là nỗi lo lắng dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan, ra cả thôn, xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, Nguyễn Văn Thuần cho biết: “Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng xấu đến đàn lợn hơn 4.000 con lợn của hơn 100 hộ chăn nuôi trong thôn Khóa Nhu 2. Ngoài những con lợn bệnh thì các hộ có lợn khoẻ cũng “vạ lây”. Hộ nào có lợn thịt có thể nuôi vỗ tiếp, còn những hộ có lợn giống đến kỳ xuất chuồng thì rất khổ. Có dịch thì không được bán, hết dịch thì quá lứa, không được giá, để nuôi cũng không được vì không có điều kiện, chuồng trại.
Trước đó, ngày 1-2-2019, gia đình ông Dương Văn Vũ ở thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa , thành phố Hưng Yên cũng phát hiện một vài con lợn dấu hiệu ốm trong chuồng. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm thấy dương tính vi-rút dịch tả lợn châu Phi, cán bộ thú y cùng gia đình đã tiến hành tiêu hủy 13 con lợn nái, một con lợn đực. Đến ngày 16-2, gia đình ông Vũ tiếp tục phải tiêu hủy 59 con lợn thịt, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Quyết tâm dập dịch
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây sang người.
Trước thực trạng lợn của một số hộ dân ở xã Yên Hòa và xã Trung Nghĩa bị nhiễm vi-rút dịch tả lợn châu Phi, ngày 19-2-2019, UBND huyện Yên Mỹ và UBND thành phố Hưng Yên đã ra quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi ở hai xã trên. Đồng thời xã Yên Hòa cho thành lập chốt kiểm dịch tại vùng dịch ở thôn Khóa Nhu 2, các lực lượng liên ngành canh gác rất nghiêm ngặt. Mọi con đường giao thông ra vào tại thôn, xã này đều được rắc vôi bột, lực lượng thú y xã đi phun thuốc khử trùng liên tục. Ở xã Trung Nghĩa, chính quyền cho thành lập ba chốt kiểm dịch ở thôn Đào Đặng, UBND thành lập hai chốt kiểm dịch của thành phố.
Công việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi không chỉ kiên quyết ở những xã có ổ dịch, ở các xã giáp gianh ổ dịch trong vùng uy hiếp công tác phòng, chống dịch công không kém phần quyết liệt. Xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giáp xã Yên Hòa nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, nên công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng đang “nóng” lên từng ngày.
Ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của xã Tân Dân là khoảng 20 nghìn con. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã huy động các tổ chức chính trị, hội đoàn thể tham gia phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền đến cơ sở, chủ hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán lợn cách nhận biết về dịch bệnh, giúp nhân dân nắm được để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời, tiến hành thống kê chi tiết số hộ nuôi lợn, tổng số đàn lợn trên địa bàn xã, kiểm tra giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn; chấn chỉnh ngay công tác giết mổ gia súc trên địa bàn, kiên quyết không để lưu thông lợn vào, ra khỏi vùng dịch.
Hố tiêu hủy đàn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi ở thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên (Ảnh: Phạm Hà).
Đến thời điểm này, diễn biến các bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên phát sinh trong phạm vi hẹp ở hai xã ở tỉnh Hưng Yên nhưng đang có chiều hướng gia tăng, đến nay đã có 17 hộ chăn nuôi có đàn lợn bị mắc dịch, với số lượng lợn tiêu hủy hơn 700 con. Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên đã nhanh chóng triển khai công tác dập dịch, phòng, chống dịch lây lan và hỗ trợ cho nông dân có lợn bị tiêu huỷ.
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Hưng Yên khoảng 600 nghìn con. Để dập dịch và phòng, chống lây lan dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, trước mắt các địa phương phải tập trung tuyên truyền trong dân về dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các thôn, xã có ổ dịch để người dân kịp thời khai báo với lực lượng thú y, chính quyền địa phương khi lợn có dấu hiệu mắc bệnh, không giấu giếm dịch hoặc bán tháo. Tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao và tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh. Tổng rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi lợn, số đầu lợn, tổ chức ký cam kết đến từng hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn. Đối với những hộ có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và tiêu hủy ngay tại chỗ, tránh vận chuyển để tránh lây lan mầm bệnh. Tỉnh Hưng Yên sẽ hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy theo quy định. Các địa phương có dịch, thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch theo quy định… Với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, mong rằng tỉnh Hưng Yên sẽ không để dịch tả lợn châu Phi lan ra diện rộng, sớm dập tắt dịch bệnh nguy hại này.
* Tại Thái Bình, từ ngày 12-2 xuất hiện lợn ốm, chết bất thường ở hai huyện Hưng Hà và Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) làm nhiều hộ chăn nuôi lo lắng. Qua lấy mẫu xét nghiệm đã khẳng định lợn ốm, chết là do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bắt và tiêu hủy lợn ốm,chết tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Mai Tú).
Trao đổi với Nhân Dân điện tử, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết: Từ ngày 12 đến 17-2, phát hiện sáu hộ dân ở thôn Mậu Lâm, thôn Hữu Đô Kỳ, thôn Đông Đô Kỳ, thôn Đồng Phú (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) có lợn ngã bệnh. Sau đó, trong hai ngày 20, 21-2 vừa qua hiện tượng lợn ốm, chết xuất hiện tại sáu hộ dân thôn Hoàng Nông, thôn Phú Nông, xã Lô Giang (huyện Đông Hưng).
Qua số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến hết ngày 21-2 địa phương đã phải tiêu hủy 216 con lợn (xã Đông Đô 123 con, xã Lô Giang 75 con và 18 con phát hiện tại chốt kiểm dịch). Cùng thời điểm này, cơ quan chuyên môn đã lấy 227 mẫu xét nghiệm, trong đó có 205 mẫu huyết thanh, 21 mẫu phủ tạng và một mẫu lạp xưởng; đồng thời lấy 55 mẫu xét nghiệm dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (40 mẫu huyết thanh và 15 mẫu phủ tạng).
Qua công bố của cơ quan Chăn nuôi và Thú y, đã có 25/40 mẫu huyết thanh; 12/15 mẫu phủ tạng dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình này, trong ngày 20-2 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà đã ký quyết định công bố dịch tại địa bàn.
Giải thích về vấn đề này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, theo quy định của Luật Thú y thì dịch bệnh xảy ra ở địa bàn huyện nào thì Chủ tịch UBND huyện đó công bố dịch, nếu có từ hai huyện trở lên có lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tỉnh sẽ công bố dịch theo thẩm quyền. Được biết, tới nay huyện Đông Hưng chưa công bố dịch.
Ông Hoàng Đức Kiếm, phó Chủ tịch UBND huyện thông tin cho biết: Điều kiện để địa phương công bố dịch là có mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đồng thời dịch lây lan nhanh. Qua theo dõi, đến nay bệnh mới xuất hiện ở phạm vi nhỏ, không lây lan nên đang tiếp tục theo dõi và cân nhắc công bố dịch.
Hơn chục chốt kiểm dịch đã được lập tại hai huyện ở tỉnh Thái Bình có vật nuôi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ảnh: Mai Tú)
Trong sáng hôm nay (23-2), phóng viên đã trực tiếp thâm nhập vào hai xã phát hiện lợn ốm chết đều thấy chính quyền các địa phương bố trí hơn chục chốt kiểm dịch cố định và các tổ kiểm dịch lưu động để ngăn chặn, phát hiện tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Tại các đường trực huyện, xã và các dong ngõ trên địa bàn xã Đông Đô và Lô Giang, vôi bột rải trắng xóa; cán bộ thú y hằng ngày đi phun thuốc vệ sinh khử trùng môi trường trong khu vực. Tính đến ngày 22-2, xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) đã qua sáu ngày không phát sinh lợn ốm, chết.
UBND tỉnh Thái Bình đã gửi công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức các cuộc họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, địa phương; tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu tuyên truyền sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vaccine, khử trùng tiêu độc, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ động vật sang người. Thực hiện kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn. Thành lập các đoàn kiểm tra tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiên quyết xử lý các vi phạm trong kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Được biết, ngoài hơn chục chốt kiểm dịch được các huyện Hưng Hà, Đông Hưng lập, thì trong ngày hôm qua (22-2), UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập thêm bốn chốt kiểm dịch vòng ngoài tiếp giáp với các địa phương đang bùng phát dịch bệnh để bảo đảm không bỏ lọt bất cứ phương tiện nào vận chuyển lợn ra vào vùng dịch đã công bố.