Những thông tin sau đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguy cơ của bệnh sởi, bệnh rubella và tầm quan trọng của hoạt động này.
Hầu hết các ca tử vong do sỏi là trẻ dưới 5 tuổi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Ước tính mỗi ngày có khoảng 330 trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn cầu, hầu hết trường hợp tử vong là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, năm 2014 đã xảy ra dịch sởi trên toàn quốc với hơn 15.000 trường hợp xác định và 147 trường hợp tử vong; tại Hà Nội có hơn 1.700 trường hợp mắc và 14 trường hợp tử vong. Trẻ em mắc bệnh sởi nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai. Phụ nữ khi mang thai mắc bệnh sởi có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc trẻ bị nhẹ cân.
Bệnh sởi có tốc đọ lây nhiễm cao
Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra và khuếch tán trong không khí khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín (phòng có điều hòa nhiệt độ) thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng là đối tượng yếu thế nhất
Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Bệnh có thể xuất hiện ở người lớn.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi là sốt, viêm long đường hô hấp (ho, chảy nước mũi), viêm kết mạc và phát ban. Ban của bệnh sởi mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, xuống thân mình rồi đến tay, chân.
Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Những người sống ở nơi có mật độ dân số quá cao, trong điều kiện khép kín cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
Vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động tốt nhất
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi. Việc tiêm vắc xin bao gồm tiêm chủng thường xuyên theo độ tuổi và tiêm chủng theo chiến dịch khi có nguy cơ bùng phát dịch.
Cụ thể, trẻ em tiêm đủ 2 mũi, mũi thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng nên tiêm vắc xin sởi trước khi có ý định sinh con.
Sử dụng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên hiệu quả không phải là 100%. Sau khi tiêm 1 mũi vắc xin sởi, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, sau khi tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi. Số trẻ chưa có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh này sẽ được tích lũy qua các năm cùng với số trẻ không được tiêm vắc xin sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, đây chính là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và gây dịch sởi trong mùa đông xuân tới đây.
Để chủ động không để xẩy ra dịch bệnh, cần phải tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố, để đảm bảo 100% trẻ em có đủ miễn dịch phòng bệnh. Việc tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella đợt này, ngoài tác dụng chủ động phòng chống bệnh sởi còn còn có tác dụng phòng chống bệnh rubella, đây cũng là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ em. |