1. Nhóm Kỹ năng tự nhận thức
Là một trong các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non, nhóm kỹ năng tự nhận thức bao gồm:
- Kỹ năng tự nhận thức, tự ra quyết định.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng tư duy sáng tạo, tư duy phê phán.
- Kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng tự đặt mục tiêu,…
Theo nhà tâm lý học Mỹ – tiến sĩ Joyce Brothers từng chia sẻ: “Nhận thức về bản thân của một người là cơ sở nhân cách của người đó. Nó ảnh hưởng đến mọi phương diện đời sống của con người: khả năng học hỏi, khả năng trưởng thành và thay đổi, sự nghiệp và bạn đời. Không quá đáng khi nói rằng, nhận thức đúng về bản thân là sự chuẩn bị khả dĩ và tốt nhất cho những thành công trong cuộc sống”. Điều này càng khẳng định về vai trò quan trọng đặc biệt của việc trang bị kỹ năng nhận thức cho trẻ từ nhỏ để có những em bé thành công trong tương lai.
Khi được trang bị đầy đủ kỹ năng tự nhận thức, trẻ sẽ có thể tự phát triển theo nhịp độ tự nhiên, khả năng tư duy mở để giải quyết vấn đề và hòa nhập xã hội hơn bình thường. Bởi nhóm kỹ năng tự nhận thức giúp trẻ nhận biết một cách chính xác bản thân ở đa góc độ như cảm xúc, thói quen, nhu cầu, hạn chế… của mình và người khác để xác định rõ bản thân có khuynh hướng hành động gì trong tình huống thực tế.
Để phát triển các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non về tự nhận thức, phụ huynh hãy hướng trẻ tới việc tự thu nhận thông tin từ môi trường xung quanh thông qua việc quan sát, lắng nghe và nhận biết các tín hiệu từ môi trường thông qua hình ảnh… Ngoài ra, quý phụ huynh cũng nên dành tối đa thời gian để vui chơi, học tập và trải nghiệm cùng con, khuyến khích con chủ động với môi trường và mọi người xung quanh. Từ đó, trẻ hoàn toàn có thể tự phát huy khả năng sáng tạo, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với chúng cũng như biết cách đánh giá mức độ tác động từ hành vi của mình đến người khác để tự điều chỉnh và ứng xử phù hợp,…
2. Kỹ năng liên quan đến cảm xúc
Kỹ năng liên quan đến cảm xúc cũng nằm trong các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non với việc trang bị cho trẻ cách nhận biết và chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình:
- Kỹ năng kiềm chế và kiểm soát được cảm xúc.
- Kỹ năng tự giám sát, tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
Đây là nhóm kỹ năng quan trọng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần có.
Có thể hiểu kỹ năng liên quan tới cảm xúc là một phần của kỹ năng tự nhận thức. Tuy nhiên, nhóm kỹ năng này đề cao yếu tố giúp trẻ tự nhận biết, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của mình nhiều hơn. Và trẻ có thể đạt được điều đó khi chúng tự nhận biết được chính mình là ai, mình muốn gì, mình có tác động gì đến mọi người để điều chỉnh cảm xúc phù hợp.
Hãy dạy trẻ kỹ năng liên quan đến cảm xúc bằng chính việc người lớn tự làm chủ cảm xúc của mình trong giao tiếp, sinh hoạt cùng trẻ. Hãy bình tĩnh xử lý mọi vấn đề rắc rối cùng trẻ để trẻ có thể học theo cách bạn giải quyết vấn đề. Ngay cả khi trẻ có thái độ không đúng mực, người lớn vẫn nên kiểm soát cảm xúc của chính mình để cho trẻ thời gian tạm lắng suy xét về những điều đã diễn ra… Nhờ sự làm gương của ba mẹ, trẻ sẽ thấu hiểu được thái độ, suy nghĩ của mọi người để điều chỉnh cảm xúc của bản thân sao cho phù hợp nhất.
3. Kỹ năng xã hội
Trẻ sẽ khó có thể hòa nhập xã hội nếu không được trang bị nhóm kỹ năng xã hội một cách đầy đủ. Nhóm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp và truyền thông.
- Kỹ năng cảm thông, kỹ năng thích ứng với cảm xúc của người khác.
- Kỹ năng chia sẻ, kỹ năng hợp tác, kỹ năng gây thiện cảm.
Người lớn có thể bồi dưỡng các kỹ năng xã hội cho trẻ bằng cách lắng nghe con, thể hiện tình yêu thương trọn vẹn cùng con, dạy con cách tôn trọng người khác bằng chính thái độ tôn trọng mọi người của mình, giáo dục những nguyên tắc sử dụng ngôn từ chuẩn mực, thân thiện và biết cách chia sẻ, đồng cảm với mọi người, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể cho con.
Ví dụ: Thông qua hành động quyên góp ủng hộ người vô gia cư, ba mẹ có thể dạy con về việc tử tế, sẻ chia những khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Bên cạnh đó, ngoài việc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, ba mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động cộng đồng để tăng sự gắn kết và mở rộng các mối quan hệ xã hội…Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại trường mầm non
Các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non nêu trên chính là các yếu tố cơ bản giúp trẻ vững bước vào tương lai. Bởi vậy phụ huynh hãy chú trọng các phương pháp giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ. Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ không chỉ diễn ra trong môi trường tại nhà mà còn cần được kết hợp với môi trường trường học. Hầu như các trường mầm non đều đã và đang đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.