Trong tất cả các phương pháp giáo dục mình đã đọc, mình thấy có một phương pháp tuyệt vời nhất, hiệu quả nhất là “bố mẹ tự tu thân và làm gương cho con”. Rèn cho trẻ con dễ hơn rèn người lớn rất nhiều, đó là sự thật.
Đây là bài viết mình rất tâm đắc vì những quy tắc nho nhỏ trong gia đình thôi, nhưng nó lại như từng viên gạch để xây dựng nên ngôi nhà giáo dục gia đình. Mỗi gia đình sẽ có văn hoá riêng, mình xin chia sẻ đôi chút những quy tắc nhỏ trong nhà mình để bố mẹ tham khảo.
Mình in những điều này ra dán ở bàn ăn, để nhắc nhở chính bản thân là phải cố gắng thay đổi mình trước khi đòi hỏi con phải thay đổi.
Vì sao trẻ nên được sống trong môi trường giáo dục có quy tắc?
Quá trình làm việc ở môi trường mầm non cho mình thấy rằng việc rèn cho con nếp sinh hoạt có quy tắc, ứng xử có quy tắc trong gia đình ở giai đoạn ấu thơ vô cùng quan trọng, và tác động rất lớn đến nhân cách trẻ. Vì trẻ sống có quy tắc sẽ hiểu chuyện, có khả năng kiềm chế cảm xúc, self control, selfhelp tốt hơn trẻ được nuôi dạy không có quy tắc gì.
“NẾU GIA ĐÌNH BẠN BÌNH AN, ĐỪNG LO SỢ SÓNG GIÓ NGOÀI KIA CÓ THỂ QUẬT NGÃ CON BẠN”. Và thứ có thể tạo nên sự bình an ấy nhất định không thể thiếu những quy tắc và những kỉ luật mềm cần rèn cho con từ giai đoạn ấu thơ.
Lưu ý với bố mẹ khi xây dựng các quy tắc trong gia đình đó là:
- Mình nghĩ không cần chia các nguyên tắc theo độ tuổi vì mỗi đứa trẻ có cách thích nghi khác nhau, và còn dựa cả trên chính thói quen của bố mẹ nữa để có thể đồng hành với con. Quan trọng không phải mấy tuổi trẻ làm được điều đó, mà là độ bền của tính kiên trì khi bạn cùng con thực hiện những quy tắc ấy.
- Hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến. Trải nghiệm việc con cố gắng từng chút một mới là đáng quý.
- Những quy tắc muốn trở thành thói quen mình cũng mất cả 2 năm mới rèn được, vì thế với trẻ con điều quan trọng nhất là sự kiên trì và bền bỉ mà thôi.
-Nên đặt ra những mục tiêu nho nhỏ theo mỗi tháng để bản thân có động lực cố gắng
-Nên trao đổi với con về các quy tắc, để “dân chủ” hơn
-Nên nói cho con lí do và mục đích, nói nhiều đến hiệu quả tích cực mà những kỉ luật đó sẽ đem lại. Mẹ rất vui vì buổi sáng ko phải hò hét con đánh răng, mẹ rất hạnh phúc vì con dọn dẹp giúp mẹ...
- Quy tắc nào mình không thể làm thì đừng ép con làm.
- Cứ tin mình, bố mẹ làm gương tốt ắt con sẽ tốt theo.
NHỮNG QUY TẮC DÀNH CHO BỐ MẸ
1. Thói quen nói chuyện để khích lệ con
- Thường xuyên nói "Cảm ơn con"
- Mỗi ngày trao đổi về 1 chủ đề nào đó, để trẻ đưa ra ý kiến "Con nghĩ như nào" thay vì Y/N, dạy con tranh luận
- Khen ngợi sự nỗ lực "Con cố gắng lắm", "Con làm việc này rất giỏi..."
- Không đưa tay làm trước cho con, đặt câu hỏi "Theo con thì nên làm như nào?"
- Để con được thất bại, trải nghiệm bài học Nhân-Quả
2. Thói quen để gắn kết yêu thương
- Đọc truyện mỗi tối trước khi đi ngủ (30p mỗi ngày những mẩu chuyện văn học hay)
- Mỗi tháng 2 lần cho con đi trải nghiệm thực tế
- Chơi thể thao 2 lần/tuần (đá bóng, đạp xe đạp)
- Bố mỗi tuần 2 ngày về sớm ăn cơm tối cùng con
- Tuần 2 buổi cùng chơi trò chơi 3 người với nhau: Đố vui, vận động
- Nói "Bố mẹ yêu con" ít nhất 10 lần mỗi ngày
3. Thói quen xây dựng ý thức trách nhiệm với gia đình
- Sáng chủ nhật cùng nhau chuẩn bị bữa sáng, dọn dẹp nhà cửa
- Cả nhà cùng dọn dẹp nhà, cùng nấu ăn vào chủ nhật
- Bố: Tắm cho con vào những ngày bố ở nhà
- Dùng ngôn ngữ tôn trọng vợ/chồng trước mặt con
- Nói xin lỗi con khi mình làm sai
- Các ngày kỉ niệm của gia đình và ngày quan trọng của con đều có mặt tham dự
- Bố không đi nhậu quá 2 lần/tuần
- Làm album gia đình hàng năm
- Không dùng điện thoại trong bữa ăn (kể cả trả lời cuộc gọi hay nhắn tin trừ khi có việc khẩn biết trước)
4. Nguyên tắc khi ứng xử với con
- Chú trọng đến quá trình chứ không phải kết quả "Con kể lại quá trình con làm được nó như nào cho mẹ nghe".
- Không trách mắng, cáu giận với lỗi sai của con (bố đã bảo rồi mà, con lúc nào chẳng thế)
- Khi con làm sai hãy mắng vào lỗi sai chứ không phủ định con người con (con hư quá,…)
- Không chê bai khuyết điểm của con, nói xấu trước mặt con (con gầy quá, sao ngu thế...)
- Bố mẹ luôn làm gương cho con trong mọi quy tắc
NHỮNG QUY TẮC KHÁC
1. Trung thực, chính trực, giúp đỡ người khác
2. Kính trọng bố mẹ, ông bà, anh chị
3. Nói ra chính kiến của bản thân, tôn trọng chính kiến của người khác
4. Không cáu gắt khi không hài lòng
5. Không nói dối
6. Không được tự ý nhận đồ của người khác cho khi chưa xin phép mẹ
7. Nếu nói bậy thì đi ra ngoài nói xong rồi vào
8. Không đổ lỗi cho người khác, cho đồ vật và cho hoàn cảnh
9. Được xem youtube vào thứ 7, chủ nhật (1 tiếng/ngày)
10. Mỗi tối không dùng điện thoại sau 20h30
11. Mỗi tuần 1 ngày off điện thoại và mạng xã hội.
QUY TẮC DÀNH CHO BON (2 nội dung chính)
Với Bon mình tâm niệm con cần ghi nhớ 2 điều: sống có trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với gia đình.
1. TRÁCH NHIỆM VỚI BẢN THÂN (những việc liên quan đến bản thân)
1.1 Vệ sinh cá nhân
- Đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh
- Tắm: biết tự kì cọ người, tự lau người, tự thay quần áo, cất quần áo bẩn
- Tự chùi khi đi vệ sinh
1.2 Chăm sóc sức khoẻ
- Ăn đúng bữa quy định (không ăn bánh kẹo trước giờ ăn cơm)
- Bữa ăn: không chạy lung tung, ngồi ăn đúng tư thế, dùng dụng cụ đúng quy tắc
- Đi ngủ đúng giờ
- Ăn đồ ăn lành mạnh (hoa quả, uống nước , hạn chế nước có ga và nhiều đường)
- Rửa tay khi đi học về, rửa tay trước khi ăn
- Không ăn bánh kẹo sau 8h00 tối
1.3 Xây dựng tính tự chủ (Phát triển bản thân và thói quen tự lập)
- Nghe Tiếng Anh/Nhật mỗi ngày theo thời gian quy định
- Đọc sách trước giờ đi ngủ mỗi tối (theo lịch chia tối thiểu 30p mỗi ngày) và mỗi sáng trước khi đi học
- Tuân thủ theo thời gian quy định (time over) (hết giờ xem tivi là phải tắt đi...)
- Dọn đồ chơi sau khi chơi xong
- Bỏ rác vào thùng sau khi dùng
- Tự cất đồ bẩn và máy giặt khi về nhà
- Tự cất ba lo, giày dép đúng nơi quy định
- Tự chuẩn bị quần áo, khăn đi học
- Chuẩn bị trước đồ chơi hôm sau mang đến lớp
- Tự quản lí đồ mình mang đi (mất sẽ tự chịu trách nhiệm)
1.4 Văn hoá ứng xử trong gia đình
- Buổi sáng tỉnh dậy chào bố mẹ "Con chào bố/mẹ"
- Chào hỏi: Chào hỏi to. Nói đầy đủ câu có chủ ngữ. Chào hỏi cô giáo và mọi người ở trường
- Lễ phép: Mời bố mẹ ăn cơm. Biết xin lỗi khi làm sai, nói cảm ơn với bố mẹ
- Nhận và trao đồ bằng hai tay cho người khác
- Mở, đóng cửa nhẹ nhàng
- Chào hỏi bố mẹ khi bố/mẹ đi làm về
- Không nói những từ bậy bạ hoặc mình chưa hiểu nghĩa hoặc không thấy bố mẹ dùng
- Ôm hôn tạm biệt bố trước khi đi ngủ "Con chào bố"
- Đi học: Chào tạm biệt ngôi nhà thân yêu/Xin chào ngôi nhà thân yêu
- Chia sẻ cảm xúc của bản thân với bố mẹ (con yêu mẹ, con yêu bố, con không yêu)
2. TRÁCH NHIỆM VỚI GIA ĐÌNH (những việc liên quan đến gia đình)
2.1 Ý thức tự giác -xây dựng gia đình
- Sắp đũa cho cả nhà và bê thức ăn bày lên bàn
- Ăn xong bê bát đĩa ra bồn (của bản thân và dọn bát đĩa cuối bữa ăn)
- Lau bàn ăn sau khi ăn
- Phân chia quần áo đã phơi
- Hút bụi nhà giúp mẹ
- Cùng mẹ nấu cơm: gọt củ quả, thái rau, xào, nêm gia vị....
2.2 Thói quen tốt trong gia đình
- Tiết kiệm điện: Tắt điện khi không dùng
- Tiết kiệm nước: tắt nước khi không dùng, không để nươc chảy lãng phí, không nghịch nước quá lâu và mở vòi đủ dùng, xả nước vệ sinh đủ sạch
- Tiết kiệm giấy: khăn ăn chỉ rút mỗi lần 1-2 tờ, giấy vệ sinh đủ dùng
- Không gây ồn ào làm phiền người khác khi họ cần thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi
- Kiên nhẫn chờ đợi người khác trả lời câu hỏi của mình
2.3 Những công việc sẽ cố gắng làm được trong năm 5 tuổi
- Gấp quần áo cùng mẹ
- Tráng bát và cho vào rổ
- Nấu cơm cùng mẹ sẽ làm thường xuyên đều đặn hàng tuần
- Nếu mẹ có em bé sẽ giúp mẹ chơi cùng em
Nguồn: FB Nguyen Thi Thu